----------
Trong sự kiện “cá chết hàng loạt” dọc
bờ biển bốn tỉnh miền Trung, thì dự án thép Formosa thuộc khu công
nghiệp Vũng Áng, với cái ống xả thải “khổng lồ mét mốt” của nó
vẫn còn làm các quan chức Bộ Tài - Môi nói năng lọng ngọng.
Mới hôm trước ông Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân
khẳng định Formosa được cấp phép làm “ống xả thải ngầm”, thì vài hôm sau,
báo chí lại dẫn lời ông xếp nhớn, là Bộ trưởng Trần Hồng Hà bảo rằng “luật không cho phép ống xả thải đi ngầm”.
Thời gian gần đây, trong nhiều trường
hợp, báo chí hoặc do thiếu chuyên môn (lá cải), hoặc do kém đạo đức nghề
nghiệp (lá ngón) đã có những “trích dẫn” vô tình hay cố ý làm méo
mó thông tin. Riêng đối với trường hợp “thiếu nhất quán” giữa
hai quan chức hàng đầu thuộc Bộ Tài – Môi nêu trên, tôi ngờ rằng, khi nói “luật không cho phép ống xả thải
đi ngầm” ông Hà hoặc đã diễn đạt thiếu chính xác, hoặc ông tỏ ra rất
mù mờ về Luật Bảo vệ môi trường do chính Bộ của ông đề xuất.
Bạn hãy bước chân ra bất kỳ một đường
phố, ngay dưới chân bạn bao giờ cũng có các “ống xả thải”. Chúng có
thể nằm dọc hai bên vỉa hè hoặc ngay bên dưới dải phân cách giữa đường. Đó chính là
hệ thống thoát nước đô thị, với các “ống xả thải” có kích thước
đôi khi lên đến 4,4m bề ngang và 2,2 m chiều cao, đủ chỗ cho 8 cái ống
xả “khổng lồ” của Formosa chui lọt.
Hiển nhiên là chúng luôn luôn được đặt ngầm,
và nếu “luật không cho phép ống xả
thải đi ngầm” thì ông Bộ trưởng định đặt cái kích thước đó vào
đâu?
Hãy lấy một ví dụ là dự án vệ sinh
môi trường kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tư vấn CDM (Camp Dresser&McKee
International Inc,Inc - Mỹ) đã chọn giải pháp đặt tuyến cống dẫn
nước thải, đường kính 3 m, dài 8,5km dọc theo và ngầm dưới đáy kênh ở
độ sâu đến 40m, để không cho nước thải trộn lẫn vào nước kênh (kênh chỉ
dành để thoát nước mưa).
Năm ấy (2001), một anh Tiến sĩ của Phân
viện Vật lý tại TP HCM “phản biện” rằng thiết kế như vậy là “thiếu cơ
sở khoa học” và nếu làm được, thì “còn khó hơn lên sao Hỏa”.
Để làm được cái việc “khó hơn lên sao
Hỏa” đó, người ta sử dụng phương pháp “khoan kích ngầm”, vắn tắt là
đào hai cái giếng thẳng đứng sâu hơn 40m ở hai đầu, rồi từ giếng 1,
đầu khoan robot sẽ khoan theo phương ngang sang phía giếng 2, khoan tới
đâu, thì đất được lấy ra (qua giếng) và ống cống (được đưa xuống cũng qua giếng) được đẩy đi bằng kích thủy
lực theo tới đó. Từ giếng 2 sang giếng 3, chu trình trên được lặp
lại.
“Ống xả thải” ở dự án Nhiêu Lộc Thị Nghè đi ngầm ở độ sâu 40m có “trái luật”? |
Thực ra, Luật Bảo vệ môi trường (số 55/2014/QH13),
không hề quy định về việc cho phép hay không ống xả thải đi ngầm hay
đi nổi.
Duy có nhõn 1 dòng, tại khoản 1d, điều
101 yêu cầu: “Cửa xả nước thải vào hệ
thống tiêu thoát phải đặt ở vị trí thuận lợi cho việc kiểm tra, giám sát”.
Điều này hoàn toàn không có nghĩa là “không
cho phép ống xả thải đi ngầm” như phát biểu của ông Hà mà phải
hiểu là: (i) anh phải bố trí một cái “cửa
xả” ở vị trí tiện lợi cho việc
kiểm tra, giám sát (xem nước thải có được xử lý đạt tiêu chuẩn hay
không) cái đã, rồi từ đó (hệ
thống tiêu thoát) đi nổi hay đi ngầm thì tùy theo thiết kế, và (ii), cái này nói thêm, là
không được phép xả trực tiếp vào lòng đất (tránh tình trạng nước thải
thấm vào các tầng chứa nước ngầm dưới đất), và (bắt buộc) phải xả vào nguồn
nước mặt hoặc nước biển. Cũng xin mách, cái (ii) nêu trên không
nằm trong Luật Bảo vệ môi trường mà thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật
Tài nguyên nước.
Thêm nữa, là Luật Bảo vệ môi trường có
hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015, nếu Formosa nó đặt cái hệ
thống của nó vào trước thời điểm này, thì lại càng không thể nói nó
đặt như vậy là “trái luật”.
Vậy thì Formosa nó đã làm đúng và giờ đây
ông Bộ trưởng, có lẽ đã hiểu ra mình đã nói hớ về chuyện “luật không cho phép”, nên chỉ: “yêu
cầu Formosa thiết kế bổ sung, xây dựng cửa xả nước thải sau xử lý bằng mương
hở hoặc hồ sinh học, đặt ngoài hàng rào nhà máy, trước khi chảy vào đường ống ngầm”.
Nhưng Bộ Tài – Môi còn có một ông Cục
trưởng là ông Lương Duy Hanh, có lẽ muốn noi gương Lê Lai cứu chúa hay
chăng (?). Ông này nói rất linh tinh, trên bài báo có tên Bộ Tài nguyên - Môi trường: Formosa thừa nhận tự ý xây toàn bộ đường
ống xả thải đăng trên tờ Dân trí, nay họ đã hạ bài.
Ông Hanh thao thao bất tuyệt về “Luật Đầu
tư xây dựng” (trong khi Luật đầu tư và Luật Xây dựng là hai luật khác hẳn
nhau) và về việc Formosa “đã tự ý
xây dựng toàn bộ đường ống mà không có thiết kế cơ sở”.
Cũng trong bài trả lời phỏng vấn trên, ông
Hanh còn cho rằng Formosa đặt “họng xả
chìm dưới đáy biển 12m”. Nếu đúng vậy thì Formosa còn vi phạm về
Luật tài nguyên nước như đã nói ở mục (ii) bên trên và anh ngư dân “mất
tích” tên Thành (của đám lá cải) đã
phải “lặn” xuống 12m đất mới nhìn thấy miệng cống (thực tế, ống được
đặt “dưới mặt nước biển 12m”).
Nhưng đây là điều mà ông Hanh nói với
báo Dân trí:
“Xả ngầm không vi phạm, phù hợp về kỹ thuật
nhưng doanh nghiệp đã làm không đúng theo luật. Nói về sai thì hôm qua tôi đã
làm việc với ông Phó Tổng giám đốc thì ông ấy thừa nhận rồi: Toàn bộ đường ống của họ là tự ý xây, không
có thiết kế cơ sở xây dựng”.
Nhưng nếu Formosa thực sự “không có thiết kế cơ sở” thì làm sao có thể triển khai các
bước tiếp theo là thiết kế kỹ thuật và thiết kế bản vẽ thi công và
rồi có thể thực hiện toàn bộ hệ thống hiện hữu mà không có bản
vẽ?
Và không có thiết kế cơ sở thì làm sao có Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu
tư xây dựng giúp nhà
đầu tư và cơ quan quản lý là Bộ Công Thương biết dự án này giá trị
bao nhiêu, để đầu tư và cấp phép đầu tư? Bởi vì theo quy định của
Luật xây dựng thì thiết kế cơ sở
phải được lập trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, cùng với Báo
cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng và phải được cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp thẩm
định.
Trong khi chính ông Hà bộ trưởng lại nói
chéo ngoe với ông Hanh, và tôi nghĩ ông Hà đã nói đúng, rằng: “Thiết kế cơ sở điều
chỉnh của dự án đã được Bộ Công Thương cho ý kiến thẩm định và Bộ Giao thông
chấp thuận”.
Không có thiết kế làm sao có thể xây dựng hệ thống xử lý như thế này? |
Nhưng sau thì hình như ông Hanh cũng muốn “sửa
sai”, hay nịnh khéo ông Hà:
“Nhưng chỉ có điều thế này: Chủ dự án làm hệ
thống này nằm trong nhà máy, không thuận lợi cho kiểm tra, giám sát và không
phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường. Anh Hà (Bộ trưởng Trần Hồng Hà – PV) nói
thế là hoàn toàn phù hợp. Anh Hà cũng nói là không phải bốc nổi tất cả đường
ống ngầm lên, mà cửa xả nước thải theo Điều 101 Luật Bảo vệ môi trường ấy phải
được đặt ở vị trí thuận lợi cho việc tiêu thoát nước để kiểm tra, giám sát. Họ
có thể xả nước trên bề mặt, có thể ở một cái hồ trước khi xả ngầm thì không có
vấn đề gì. Tức là phải để cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước
bất kỳ lúc nào đều có thể đến kiểm tra đột xuất. Mục tiêu của luật là thế. Anh
Hà nói rằng cửa xả nước thải sau xử lý phải thuận lợi cho việc kiểm tra, giám
sát, nhưng trạm quan trắc của Formosa lại đặt bên trong thì bây giờ phải đặt
nổi lên, có hồ nước trước khi xả ngầm”.
“Việc thứ hai, họ đang lập các phương án để
trạm quan trắc tự động ở bên ngoài hàng rào, bất kỳ ai cũng có thể quan sát;
trạm quan trắc tự động có hồ thật to để bất kỳ ai cũng giám sát được và có
camera theo dõi. Theo đúng chỉ đạo của Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường,
chúng tôi đang cho kiểm chuẩn hệ thống quan trắc online và sẽ truyền dữ liệu
trực tiếp về Tổng cục Môi trường”.
Và cuối cùng, ông tỏ vẻ hả hê với phóng viên Dân trí:
“Bây giờ họ tâm phục khẩu phục rồi”.
Tôi cho rằng, chẳng qua Formosa đã bỏ vào dự
án số tiền quá lớn nên họ mới chịu “nhận lỗi” với các ông (những
cái lỗi không phải do họ gây ra), mục đích: thôi thì Hàn Tín luồn trôn, chờ qua cơn khủng hoảng.
Chứ còn đến mùa quýt nhé, người ta mới
“tâm phục khẩu phục” các ông, khi thầy trò các ông trình ra, không chỉ rất nhiều những bất nhất trong phát ngôn mà còn bộc lộ ra toàn những kém
cỏi về chuyên môn.
---------
Em đã định viết về sự phát biểu ông chằng bà chuộc của hai sếp nhớn ở Bộ Tài Môi nhưng phải cố nán lại vì không muốn "đổ thêm dầu vào lửa" khi vụ này còn đang rối bời...
Trả lờiXóaRõ ràng ông Bộ trưởng nói trái luật.
Phát biểu của ông Hà được thể hiện rõ nhất qua bài của báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh
----
Bộ trưởng Trần Hồng Hà buộc Formosa đưa ống xả thải lên
* Trong quá trình kiểm tra trực tiếp tại Formosa, ông có nói “đối với pháp luật VN, việc xả thải ngầm, ống thải ngầm là không cho phép”, trong khi Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân trước đó lại nói “đường ống ngầm của Formosa là hợp pháp”. Ông giải thích thế nào về việc này?
- Tôi khẳng định pháp luật VN không cho phép vì điều 101 Luật bảo vệ môi trường có hiệu lực từ năm 2015 đã thể hiện, trong đó quy định: bất cứ đường ống nào - nhất là đường ống xả thải - đều phải tạo điều kiện cho quá trình giám sát, tiếp cận, kiểm tra một cách dễ dàng.
Còn Thứ trưởng Nhân có nói về sự hợp pháp là do nhìn vào hồ sơ thấy có sự cho phép của cơ quan chức năng.
* Thưa bộ trưởng, đường ống ngầm của Formosa dẫn ra biển được Bộ TN-MT chấp thuận năm 2014 sau khi có ý kiến của các bộ. Vì sao luật không cho phép mà bộ lại chấp thuận cho làm ống ngầm?
- Tôi đang chỉ đạo kiểm tra và làm rõ việc này. Trước mắt những cái gì chưa phù hợp phải sửa ngay. Còn việc kiểm tra, rà soát xem vì sao thời điểm trước chấp thuận, trách nhiệm thế nào, lý do vì sao chấp thuận, tôi đã chỉ đạo làm rõ và sẽ tiếp tục xem xét trong thời gian tới.
* “Sửa ngay” như ông nói là phải đưa đường ống ngầm lên?
- Tôi nhìn ra vấn đề nếu để đường ống ngầm thì rất khó giám sát, rất khó kiểm tra. Vì vậy, trước mắt tôi đã chỉ đạo rõ, ngay tới đây Formosa phải đưa đường ống ngầm này lên để thuận tiện cho việc theo dõi, giám sát.
http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20160430/bo-truong-tran-hong-ha-buoc-formosa-dua-ong-xa-thai-len/1093249.html
Đúng vậy, ông Hà nói với báo Tuổi Trẻ hôm 30-4. Nhưng mấy ngày sau, trong cuộc họp báo với chính phủ (hình như 4-5), đã nói lại, rằng không cần phải đưa ống ngầm lên, mà chỉ cần mở "cửa xả" phía ngoài hàng rào, để thuận tiện cho việc giám sát.
XóaBài viết khá nhưng chuyện quan chức nói trước quên sau hehe viết chừng nào cho hết.
Trả lờiXóaVẫn phải nói ra đẻ biết mà sửa
Trả lờiXóa