Thứ Hai, 22 tháng 10, 2018

Nguyễn Văn Thiệu - tướng bất tài. (tiếp theo)


(tiếp)

------------------

2.     “Tài thao lược” của tướng Thiệu
Quân lực VNCH có hơn 160 tướng lãnh, đếm trên đầu ngón tay, chỉ có vài người được chính họ cho rằng có năng lực gồm: Đỗ Cao Trí, Nguyễn Viết Thanh, Ngô Quang Trưởng, Nguyễn Văn Hiếu, Lê Văn Hưng, Lý Tòng Bá, Lê Minh Đảo.
Chưa và không bao giờ có cái tên Nguyễn Văn Thiệu. Điều này cũng dễ thấy, bởi xuyên suốt hành trang binh nghiệp của Thiệu, là kể từ khi còn là “Trung sĩ, thông dịch viên” cho quân đội Liên hiệp Pháp tại Đông Dương cho đến lúc lên ngôi Tổng thống kiêm Tổng Tư lệnh Quân lực VNCH, Thiệu hoàn toàn chả có cái thành tích trận mạc nào dắt lưng làm vốn.
Như đã biết, Thiệu “khởi nghiệp” bằng việc đăng lính đánh thuê cho quân đội Liên hiệp Pháp, thời Bảo Đại, sau đó chuyển sang quân đội tay sai của Mỹ dưới triều Ngô Đình Diệm. Tướng Đỗ Mậu cho biết, để được Ngô Đình Diệm để mắt tới, Thiệu đã phải trái lời cha đẻ để cải đạo (từ đạo Phật sang đạo Công giáo), sau đó cầy cục xin gia nhập đảng Cần lao Nhân vị do Ngô Đình Nhu lập ra.
Vậy Thiệu lên tướng khi nào và bằng cách nào?
Hồi ký Việt Nam nhân chứng của Tướng Trần Văn Ðôn kể chuyện Thiệu được thăng hàm Thiếu tướng diễn ra như trò hề: Chỉ một ngày sau khi cuộc đảo chánh Ngô Đình Diệm hoàn tất, khi đến trình diện Trung tướng Ðôn, đại tá Thiệu đã thủ sẵn trong túi một cặp sao thiếu tướng và móc ra đưa cho Ðôn, một trong những thủ lĩnh của cuộc đảo chính và là Phó Chủ tịch Hội đồng Quân nhân Cách Mạng, đòi Đôn sớm gắn vào vai áo. Hóa ra chuyện thăng hàm Thiếu tướng đã được Thiệu mặc cả từ trước để đổi lấy việc tham gia “binh biến”, (hoặc nếu không, thì chỉ cần “án binh bất động” cũng được). Và Thiệu đã làm được hơn thế khi điều hai trung đoàn thuộc Sư đoàn 5 Bộ binh do mình làm Tư lệnh về Sài Gòn, tham gia lực lượng tấn công phủ Tổng thống. Trớ trêu thay, Sư đoàn 5 BB là đơn vị tập trung toàn lính Nùng, đi theo cụ Diệm” vào Nam, vốn được coi là trung thành tuyệt đối với gia đình họ Ngô, và được bố trí đồn trú tại Biên Hòa nhằm ứng cứu kịp thời cho “Thủ đô Sài Gòn một khi có đảo chính xảy ra. 
Vậy là chẳng cần tốn một giọt mồ hôi trên mặt trận để đánh “giặc”, Thiệu được “đặc cách” thăng Thiếu tướng nhờ “đại công” phản chủ, tham gia truy sát, tận diệt chính “lãnh tụ” của mình, ngay tại thủ phủ của cái gọi là “Việt Nam cộng hòa”. Có thể nói, mà không hề cường điệu rằng, bộ quân hàm cấp tướng của Thiệu được “nhuộm” bằng máu của mấy anh em nhà họ Ngô.
Ấy thế mà vào dịp đám tàn dư nhà Ngô tổ chức cúng kỵ “cụ Diệm” lần đầu tiên tại nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi, Thiệu còn bày trò “mèo khóc chuột”, cho vợ đến tham dự và mang theo món tiền khá to lúc bấy giờ là 500.000 đồng bạc đến “úy lạo”.
Và sau này, khi đã ở ngôi vị Tổng thống, vào những ngày 1/11 hàng năm, Thiệu vẫn làm thánh lễ cầu hồn cho Diệm và Nhu ngay tại Dinh Độc Lập. 
Người ta “khen” Thiệu “mưu mẹo” là ở chỗ ấy...

3.     “Tư tưởng chiến lược”: vị thân, bất vị quốc

Làm nên “vương nghiệp” nhờ “chiến tích” giết chủ, thành ra kể từ khi lên ngôi Tổng thống kiêm Tổng Tư lệnh quân đội ngụy, Thiệu rất sợ bị các tướng dưới quyền “phản phé”. Thiệu lại còn sợ “bạn đồng minh” Mỹ còn hơn sợ kẻ thù “Việt Cộng”, mà “sợ nhất là CIA lên kế hoạch trừ khử rồi đổ vấy cho Việt cộng”. Thiệu từng “tâm tư” với Nguyễn Tiến Hưng (Tác giả cuốn Tâm tư Tổng thống Thiệu) như vậy và: “Tôi chỉ thấy thoải mái trên sân quần vợt. Cứ bỏ vợt xuống là nỗi ám ảnh về cuộc đảo chánh lại ập đến”.

Có thể nói nỗi sợ bị ám sát, bị lật đổ chi phối “tâm tư Tổng thống” tới mức trở thành  “tư tưởng chiến lược” của Thiệu. Toàn bộ các chủ trương, quyết sách lớn của tay nguyên thủ VNCH này đều hướng tới mục đích “giữ ghế” và đảm bảo an toàn cá nhân, chứ còn “vận mệnh quốc gia” chỉ là vấn đề thứ yếu.
Việc Thiệu nhanh chóng ký Hiệp định Paris 1973 chỉ sau khi bị quan thầy Nixon thẳng thừng đe dọa về một “biến cố tương tự như sự kiện mà chúng tôi ghê tởm đã xảy ra vào năm 1963” hoàn toàn chứng minh điều đó. Nixon thậm chí còn nói với Kissinger rằng “không thể có chuyện cái đuôi con chó lại quậy cái đầu con chó được”  đòi “cắt đầu” Thiệu nếu Thiệu tiếp tục cản đường (cut off his head if necessary).
Đã vậy, ngay sau khi đặt bút ký Hiệp định Paris 1973, tức là ký vào “bản án tử cho quốc gia VNCH”, Thiệu còn lập tức lên kế hoạch nhằm “tái chiếm” ngôi vị Tổng thống. Thiệu sai phụ tá Nguyễn Văn Ngân soạn thảo một Tu chính án (tức là chỉnh sửa Hiến pháp 1967), để mở đường cho y có cơ hội pháp lý “biển thủ” thêm 1 nhiệm kỳ Tổng thống nữa (Điều 52 Hiến pháp VNCH 1967 cho phép nhiệm kỳ Tổng thống kéo dài 4 năm và Tổng thống chỉ được tái cử 1 lần, Tu chính án điều chỉnh kéo dài nhiệm kỳ 5 năm với 2 lần tái cử). Tu chính án này được chính thức quyết định nội dung ngay sau khi Thiệu sang Mỹ gặp Nixon tại San Clemente ngày 2- 4-1973,  tức là chỉ sau khi ký Hiệp định Paris đúng 3 tháng, nhưng vẫn phải giữ “mật” do“phải chờ sau cuộc bầu cử bán phần Thượng Nghị Viện tháng 10/73 mới đủ túc số thực hiện” nên tháng 1/1974 mới được chính thức ban hành.

Tưởng cũng nên nhắc lại là ông Nguyễn Văn Ngân chính là tác giả của Đạo luật bầu cử Tổng thống năm 1971 đầy tai tiếng, trong đó có một điều khoản đặc biệt (là điều 10 khoản 7, trái với Hiến pháp 1967) được Thiệu đặt ra nhằm “trói cánh, chặt chân” các ứng viên khác như Nguyễn Cao Kỳ, để còn lại trên sân khấu chính trị Sài Gòn một mình Thiệu “độc diễn”. Và vì thế nhiệm kỳ Tổng thống thứ 2 của Thiệu là kết quả của một cuộc “bầu cử” gian lận “một mình một ngựa” mà chính người Mỹ cũng phải lắc đầu ngán ngẩm
Rõ ràng, kể cả khi “vận nước lâm nguy”, Nguyễn Văn Thiệu vẫn còn bày mưu tính kế tìm kiếm cơ hội “tham nhũng” thêm một nhiệm kỳ  kéo dài những 5 năm nữa. Đó là chưa kể nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của Thiệu là do CIA chi tiền đảm bảo cho Liên danh (Thiệu – Kỳ) thắng cử.

Người ta lại “khen” Thiệu “mưu mẹo” là ở những chỗ ấy.
...
(Còn)

1 nhận xét: