Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

NGU GÌ KHÔNG "ĐẠO"?



(Văn đạo Tràng an tự dịch... gà)
----------------------------------------------------
Sự cần thiết phải "đạo văn"
Có khá nhiều những định nghĩa về "đạo văn" đã được đưa ra, những định nghĩa này có khác nhau ít nhiều. Nhưng cho dù có những khác biệt, thì ai cũng hô khẩu hiệu rằng "đạo văn" là một hành vi vi phạm đạo đức không thể chấp nhận của một người trong giới trí thức.
Nhưng không “đạo văn” thì lấy cóc đâu ra “tri thức” để mà được gọi là “trí thức”.
Học, học nữa, học mãi. Sự học há chẳng phải là một quá trình đạo văn liên tục của đời người đó sao? Bé thì cần chăm chỉ “luộc” giáo huấn từ cha mẹ thầy cô, lớn thì phải tích cực “xào” kiến thức từ sách vở, từ xã hội, nhất là từ internet.
Mà có sao đâu, khi ta được cô giáo dạy “Hai nhân hai bằng bốn”, cô giáo ta “thuổng” kiến thức từ bảng Cửu chương đó thôi, khi ta được thầy dạy “Tổng các góc trong một tam giác bằng 180 độ”, thầy ta “chôm” kiến thức từ Euclid, một ông ất ơ người Hi Lạp đó mà.
Các cụ đại trí thức tiền bối, từ Tây cho đến Ta đều cực giỏi nghề “đạo văn”, không giỏi đạo làm sao có thể gọi là đại trí thức được.
Tây - ăn cắp trắng trợn:
Thiên tài khoa học Isaac Newton, khi được hỏi “Tại sao ngài có thể “nhìn xa” đến thế?” đã trả lời: “Ấy là bởi vì tôi biết cách đứng trên vai những người khổng lồ”.
Newton biết học hỏi và sử dụng trí tuệ của những thế hệ đi trước, biến kiến thức của họ thành của mình. Rồi đến lượt mình, ông lại trở thành một người khổng lồ cho các thế hệ sau đứng trên vai.
Nhưng Newton vĩ đại cũng còn là một người “cầm nhầm” đầy tai tiếng, theo nghĩa đen.
Lược sử thời gian của Stephen Hawking cho biết: 
Cuốn Principia Mathematica, cuốn sách vật lý nổi tiếng nhất của Newton được xuất bản lần đầu với những dữ liệu do nhà thiên văn Hoàng gia John Flamsteed cung cấp. Khi John Flamsteed từ chối không tiếp tục cung cấp các thông tin mà Newton đòi nữa, Newton tự bổ nhiệm mình vào ban giám đốc Đài thiên văn Hoàng gia và lấy danh nghĩa này để buộc ông kia phải công bố các dữ liệu. Ông còn ra lệnh thu giữ công trình của Flamsteed và giao cho người khác chuẩn bị xuất bản. Khi Flamsteed đưa vụ này ra tòa và tòa án ra lệnh không cho xuất bản tài liệu bị đánh cắp, Newton bèn trả thù bằng cách xóa bỏ mọi tài liệu dẫn về Flamsteed trong các lần tái bản Principia.
Nhà triết học và toán học Gottfried Leibniz (Đức), là người cùng thời và đã độc lập với Newton phát triển môn toán Giải tích (Calculus), rồi sẽ là cơ sở cho vật lý hiện đại sau này. Ngày nay, chúng ta biết Newton đề cập đến Calculus sớm hơn Leibniz, song Leibniz lại công bố các công trình của mình trước Newton. Trong cuộc tranh cãi ai là người đầu tiên tìm ra Calculus, thì phần lớn các bài báo ủng hộ Newton lại được chính Newton viết ra và công bố dưới tên người khác. Khi cuộc cãi vã được đưa ra Hội Hoàng gia giải quyết, thì một hội đồng “không thiên vị” đã được lập ra nhưng lại gồm toàn những người cùng phe với Newton. Leibniz quên béng rằng chủ tịch Hội Hoàng gia lại chính là Newton.

Sau chót, Hội Hoàng gia đã công bố một bản báo cáo, do chính Newton viết để công khai buộc tội Leibniz đánh cắp công trình. Và đích thân Newton còn bồi thêm cho Leibniz một phát súng ân huệ bằng một bài báo nặc danh điểm lại bản báo cáo nói trên, đăng trên tạp chí riêng của Hội Hoàng gia.
Biếm họa về Newton và Leibniz.
Hiện nay, trong Toán giải tích chúng ta đang dùng các ký hiệu do Leibniz đề xuất. 

Ta - “tập cổ” nho nhã.
Thời các cụ chúng ta ngày xưa, sách vở (chép tay hoặc in) đã hiếm lại còn thỉnh thoảng bị đem ra đốt. Phương tiện truyền thông phổ biến và tiện lợi nhất là truyền mồm
Thời ấy, ta với Tàu dùng chung một thứ chữ, cùng có quy ước bất thành văn rằng, cụ nào càng nhớ, càng “chôm” được nhiều chữ nghĩa thánh hiền hoặc văn thơ tiền nhân thì càng được khen là hay chữ.
Xưa cho rằng “Nhập thế cục bất khả vô văn tự” cho nên văn chương cụ nào mà chẳng có ma nào thèm “ăn cắp” thì cụ ấy hẳn phải tự thẹn rằng mình bất tài, văn ế, không ai biết tiếng, chẳng để lại được "văn tự" gì cho hậu nhân. Vì vậy, cụ nào càng được nhiều cụ khác “đạo văn”, thì lại càng vui, càng lấy làm hãnh diện lắm lắm.
Các cụ ta gọi đó là Tập cổ (Học theo người xưa), nghĩa là sử dụng lại những câu trong một bài văn hoặc bài thơ nổi tiếng, để mà khai triển thêm nhận thức, tâm trạng, cảm xúc, tư tưởng của mình.
Chẳng hạn như cụ Nguyễn Trãi, trong Bình Ngô Đại Cáo:
“Quyết Đông hải chi thủy, bất túc dĩ trạc kỳ ô
Khánh Nam sơn chi trúc, bất túc dĩ thư kỳ ác”
(Tát cạn nước Đông Hải, không đủ rửa vết nhơ
Chặt hết trúc Nam Sơn, chẳng đủ ghi tội ác )
Thì đã tập cổ theo hai câu trong bài hịch kể tội Tùy Dạng Đế của Lý Mật đời Đường:
“Quyết Đông hải chi ba, lưu ác bất tận
Khánh Nam sơn chi trúc, thư tội vô cùng” 
Hoặc cụ Nguyễn Du, trong Truyện Kiều:
“Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”
Thì tập cổ từ hai câu cổ thi của Tàu:
“Phương thảo liên thiên bích           
Lê chi sổ điểm hoa”                
Và:
“Trước sau nào thấy bóng người
Hoa Đào năm ngoái còn cười gió Đông”
Là tập cổ theo thơ Thôi Hiệu:
“Kim niên nhân diện hà xứ khứ   
Đào hoa y cựu tiếu Đông phong” 
Hoặc thơ Tiên, Cao Đài giáng bút:
Nước thu biêng biếc một mầu trời
Cánh cò cô độc dáng chơi vơi
Thì ra Tiên cũng giáng thi từ thơ Vương Bột:
“Lạc hà dữ cô vụ tề phi                         
Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc”
Tóm lại, “đạo văn” kiểu tập cổ như các cụ chẳng có gì là xấu. Đã vậy, các cụ còn bảo nhau phải “nấu sử sôi kinh”, hàm ý rằng các anh khóa hãy ra sức “xào” và “luộc”.
Ngày xưa, cái khó bó cái khôn. Phương tiện in ấn và phát hành thiếu thốn, kiến thức chủ yếu được chép tay và truyền miệng, nên việc xào với luộc là khó lắm thay, lại dễ bị “tam sao thất bổn” hoặc tai hại hơn là “phúc thống phục nhân sâm”.
Nay là thời toàn cầu hóa, thế giới mỗi ngày mỗi “phẳng” cùng với sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin. Có điều kiện như thế, họa có là ngu mới không biết tiếp thu và sự dụng nguồn tài nguyên khổng lồ về khoa học, công nghệ có sẵn. Tất nhiên, bằng cách đạo văn.
Mười năm trước, đường sắt cao tốc của Tàu là một con số không, thế mà giờ đây, họ là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực đó. Ấy là nhờ họ quá xuất sắc trong việc hô biến công nghệ Transrapid của Đức và Shinkansen của Nhật thành của họ, lại càng xuất sắc hơn nữa trong việc phi tang để không vướng vào kiện cáo.
Lịch sử xưa nay vẫn cho thấy, việc “ăn cắp kiến thức” là phương cách hữu hiệu nhất để phổ biến những trí tuệ nhân loại và nhờ đó thì người sau mới có thể đứng trên vai những người khổng lồ đi trước. Hãy đặt câu hỏi tại sao tỷ phú Bill Gates tự nhiên bỏ một đống tiền ra để nối mạng cho khoảng 11.000 thư viện trên khắp thế giới.
Ông ta muốn gì? Câu trả lời duy nhất chính xác là Quỹ từ thiện của Bill Gates muốn cung cấp phương tiện giúp cho bàn dân thiên hạ, đặc biệt là những người nghèo, dễ dàng thực hiện công cuộc “đạo văn” trên quy mô toàn cầu.
Thế thì còn đợi gì mà không đạo? Trí tuệ nhân loại nào có thuộc sở hữu riêng ai?
Nhưng hãy bắt chước bọn Tây và Tàu, trộm cướp hẳn những món lớn, có giá trị cao như khoa học và công nghệ.
Chớ đừng như ở ta, chỉ giỏi “ăn cắp vặt”của nhau, có khi được một đoạn, có khi chỉ có nửa câu. Thơ mới chả thẩn.
----------------------
Thêm: Nhân đọc bài “Chữ đạovăn kia cũng có ba bảy đường” của bác Vương Trí Nhàn nhớ câu nói nổi tiếng của Học giả Phạm Quỳnh: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn. Tiếng ta còn, nước ta còn. Nghe cũng từa tựa như một câu trong truyện Buổi học cuối cùng của nhà văn Pháp thời đó là A. Daudet: “Một dân tộc rơi vào vòng nô lệ mà còn giữ được cái tiếng nói (sa langue - ngôn ngữ của họ) thì cũng như vẫn còn cái chìa khóa mở ngục tù”. Rất có thể cụ Phạm chịu ảnh hưởng từ Daudet.  


3 nhận xét:

  1. Ôke, văn dĩ tải đạo thì việc gì không đạo!

    Trả lờiXóa
  2. Đạo văn, đạo báo, đạo khoa học. Giờ thì có nhiều người đạo nhiều thứ lắm. Và cái hay là kỹ thuật đạo bây giờ cũng vô cùng tinh vi. Thế nên khó nhận ra và cần thời gian mới nhận ra được điều đó

    Trả lờiXóa
  3. Cổ xúy cho việc đạo văn là không được nha. Hết sức lên án hành động đạo văn đó. Chúng ta không thể lấy sản phẩm của người khác rồi nhận đó là sản phẩn được sinh ra bằng tâm huyết của mình

    Trả lờiXóa