Thứ Hai, 23 tháng 5, 2016

Chào Obama!





------

Rất sớm, từ tháng 2-2016, tại Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-ASEAN ở Sunnylands, bang California, Tổng thống thứ 44 của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ Obama đã bày tỏ ý định đi thăm Việt Nam. Sáng nay, khi trả lời phỏng vấn một tờ báo Việt Nam, ông còn bảo: “Tôi đã rất muốn đến sớm hơn”.
Ông Obama là vị tổng thống Hoa Kỳ thứ 3 thăm Việt Nam, sau các ông Bill Clinton (2000) và George W. Bush (2006). Tất cả họ đều được chào đón nồng nhiệt theo truyền thống hiếu khách của dân tộc Việt Nam.
Chính phủ Hoa Kỳ coi chuyến thăm Việt Nam của Obama là một trong những sự kiện ngoại giao quan trọng nhất trong năm nay, qua đó nhấn mạnh vị trí đặc biệt của Việt Nam trong chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Washington, đồng thời thể hiện dấu ấn cá nhân trong quan hệ song phương mà ông Obama đã dành nhiều công sức thúc đẩy trong nhiệm kỳ qua.
Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm và nói như lời Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry trong chuyến thăm Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2015, "giai đoạn hòa giải đã kết thúc." Tuy nhiên, có những vấn đề là trở ngại trong quan hệ giữa hai nước. Với Việt Nam, đó là những hậu quả chiến tranh như chất độc da cam/dioxin, là bom mìn/vật liệu chưa nổ còn sót lại đang hàng ngày hàng giờ đe dọa sinh mạng và cuộc sống của người dân.
Cho dù Tổng thống Obama sẽ hết nhiệm kỳ vào cuối năm nay nhưng không vì thế mà chuyến thăm Việt Nam của ông sẽ giảm bớt ý nghĩa. Nếu nhìn vào chiều dài quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ thì sự thúc đẩy từ lúc bình thường hóa cho đến mở rộng quan hệ, xác lập quan hệ Đối tác toàn diện đều có sự ủng hộ của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Thực tế đã chứng minh rằng trong 20 năm qua, các đời tổng thống của các đảng khác nhau ở Hoa Kỳ đều thúc đẩy mối quan hệ này ngày càng phát triển.
Tôn trọng quá khứ đi đôi với hướng tới tương lai là một thực tế và là biểu tượng cho sự hợp tác song phương giữa các nước cựu thù.
Xin mời cùng xem các hình ảnh đầu tiên và thú vị về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Obama.
Obama hóa ra là người "tươi" nhất. 
Thật vui khi cùng cho cá ăn tại ao cá Bác Hồ (các anh hô khẩu hiệu "chọn cá tôm" có vui không?)
Locliec rất ấn tượng khi ngắm bức ảnh Tổng thống Obama tươi cười cùng Chủ tịch nước Trần Đại Quang đứng dưới tượng Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch (11h). Sau đó (lúc 12h) ông Obama lại cùng bà Kim Ngân Chủ tịch quốc hội đi thăm khu di tích Nhà sàn Bác Hồ và cùng cho cá ăn tại ao cá Bác Hồ. Điều này càng đặc biệt có ý nghĩa vào thời điểm kỷ niệm 126 năm ngày sinh nhật Bác vừa qua được mấy ngày.

Nhân đây, xin chép lại một vài tư liệu lịch sử qua các cuộc trò chuyện của Người với những chính khách, nhà báo, các nhà hoạt động tôn giáo quốc tế. Các tư liệu này cho thấy Bác đã từng nói đến chuyện “trải thảm đỏ”, “tặng hoa”, và “mời trà” các Tổng thống Hoa Kỳ, vào cái thời mà hai nước Việt Mỹ còn là “cựu thù”:  
Ngày 11-11-1965, trong lần tiếp giáo sư George La Pira, phái viên của Chính phủ Italia là trung gian vận động đàm phán Việt Nam và Mỹ, Bác Hồ nói:
Chúng tôi sẵn sàng rải thảm đỏ và rắc hoa cho Mỹ rút. Nhưng nếu Mỹ không rút thì phải đánh đuổi Mỹ đi. Chúng tôi và nhân dân chúng tôi sẵn sàng nói chuyện với nhà cầm quyền Mỹ và nhân dân Mỹ. Nhưng với Johnson và Mac Namara thì hoặc là trải thảm đỏ, hoặc là đá đít ra khỏi cửa”.
Ngày 4-7-1966, J. Sainteny , người Pháp (từng đại diện cho phía Pháp ký bản Hiệp định sơ bộ này 6-3-1946 với Bác Hồ) đến Hà Nội thăm dò khả năng về giải pháp chính trị cho cuộc chiến tranh Việt Nam.
Giữa cuộc nói chuyện giữa J. Sainteny và Phạm Văn Đồng, Bác Hồ bỗng xuất hiện, tươi cười bắt tay khách, Người nói: "Tôi biết ông ở đây, nhưng tôi không đợi đến cuộc viếng thăm chính thức ngày mai nên đến thăm ông".
Người hỏi thăm sức khoẻ ông Sainteny, gửi lời thăm bà Sainteny và các con của ông phải ở lại Phnôm Pênh vì Mỹ đang ném bom Hà Nội.
Trước lúc lui chân, Người nói thêm: “Nếu ông có gặp người Mỹ, ông hãy nói cho họ rằng chúng tôi không sợ Mỹ, chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng, dù có phải hy sinh tất cả. Mỹ rút đi thì mọi việc sẽ được giải quyết. Nếu họ muốn, chúng tôi có thể mang hoa tặng họ. Nhưng chừng nào còn một tên lính Mỹ trên đất nước chúng tôi, chúng tôi còn tiếp tục chiến đấu.
Năm giờ chiều hôm sau, J. Sainteny được Bác Hồ tiếp chính thức tại Phủ Chủ tịch . Ông Sainteny trao cho Người bức thư của tướng De Gaulle, Tổng thống Cộng hoà Pháp và bày tỏ những tình cảm kính trọng đối với Người. Vào cuối cuộc nói chuyện, Bác nói về nguyện vọng hoà bình của nhân dân ta và khả năng đi tới một giải pháp thương lượng. Người nói tiếp: "Chỉ có một cách đi tới giải pháp đó là Mỹ rút đi. Chúng tôi không muốn hạ nhục đối với họ, chúng tôi sẵn sàng đem nhạc và hoa tiễn  họ và mọi thứ khác họ thích; nhưng, ông biết đấy, tôi thích tiếng lóng của nước ông: “qu’ils foutent le camp!" (Thì họ hãy cút đi.!).
Ngày 7 tháng 1 năm 1967, hai nhà báo Mỹ là các ông H.S.Ashmore (chủ bút tờ Nhật báo Arkalsas ) và W C.Baggs (chủ bút tờ Tin Miami) thuộc Trung tâm nghiên cứu các thể chế dân chủ (CSD) đến Hà Nội. Cùng đi là ông Do Luis Quintanila người Mêxico, giáo sư, nhà văn, nhà báo và đã từng là đại sứ tại Mát-xcơ-va và Washington. Bộ Ngoại giao Mỹ đồng ý để hai ông nhà báo Mỹ sang Hà Nội, với yêu cầu hai ông tìm hiểu thái độ của Hà Nội về một số vấn đề mà họ quan tâm, kể cả vấn đề những phi công Mỹ bị bắt ở miền Bắc Việt Nam.
Trong cuộc nói chuyện với các nhà báo này, Bác Hồ nói:
Tôi kính trọng nhân dân Mỹ. Nhân dân Mỹ là những người thông minh, là những người yêu hoà bình và dân chủ. Lính Mỹ hiện nay đang bị đày sang đây để đi giết người và để giết người. Nhưng nếu họ đến đây giúp đỡ chúng tôi như những nhà kỹ thuật thì chúng tôi rất hoan nghênh họ như những người anh em. Còn bây giờ họ đến đây để giết người và để bị bắn chết. Đó là sự sỉ nhục. 
Đối với các ông, các ông khó mà tin được rằng tôi lấy làm đau lòng không những khi nhân dân Việt Nam bị giết hại mà tôi cũng rất buồn phiền khi lính Mỹ bị giết. Tôi thông cảm nỗi đau buồn của cha mẹ họ. Vì vậy chúng tôi nói với nhân dân chúng tôi rằng họ phải sẵn sàng hoan nghênh nhân dân Mỹ không phải khi họ đến như hiện nay với những người lính mang vũ khí - nhưng khi họ đến một lần nữa trong tương lai để giúp đỡ xây dựng lại đất nước chúng ta.
Nếu điều đó tỏ ra xa lạ với các ông thì các ông hãy nhìn lại mối quan hệ giữa chúng tôi với Pháp. Khi chiến tranh chấm dứt ở Điện Biên Phủ, mối quan hệ chặt chẽ và thân thiết đã phát triển giữa Paris và Hà Nội. Người Pháp hiện nay là người bạn nhiệt tình của chúng tôi và chúng tôi cũng tự hào có hương vị Pháp trong nền văn hoá hiện tại của chúng tôi.
Các ông hãy tin tôi khi tôi nói rằng tôi sẽ rất sung sướng được đón tiếp Tổng thống Mỹ đến đây một cách hoà bình. Chúng tôi chìa bàn tay hữu nghị ra với bất kỳ quốc gia nào thừa nhận Việt Nam là một nước tự do và độc lập.
Năm ngày sau, ngày  12 tháng 1 năm 1967, Bác Hồ lại tiếp đoàn "Những người tình nguyên vì hoà bình” gồm Mục sư người Mỹ A.J Muste, mục sư Đạo Do Thái Rabbi Abraham L. Feinberg và linh mục Anh giáo Ambrose Reeves.
Các vị khách kể lại đã đi thăm nhiều nơi của Hà Nội bị máy bay Mỹ đánh phá. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: 
"Tổng thống Johnson đã nói rằng ông ta sẽ gặp bất cứ ai, ở đâu và bất cứ lúc nào để nói chuyện hoà bình. Tôi xin mời ông Johnson đến Hà Nội như là khách của chúng tôi, ông hãy đến với vợ và con gái, người thư ký, người bác sĩ và người đầu bếp của mình. Nhưng đừng mang theo tướng lĩnh và đô đốc! Tôi xin bảo đảm rằng Tổng thống sẽ an toàn tuyệt đối".

Entry này cũng là lời chào mừng của blog Locliec nhân sự kiện ông Obama thăm Việt Nam. Hãy đến với vợ và con gái, người thư ký, người bác sĩ và người đầu bếp của mình, ông sẽ luôn được chào đón!

----------------



3 nhận xét:

  1. Chuyện Obama ngỏ lời trước hay VN có lời mời trước có quái gì quan trọng. Toàn mặc cảm tự ti nhược tiểu. VN thấy cần thì mời, Obama thấy lợi thì đến. Quan hệ ngoại giao là vậy, lãnh đạo quốc gia cứ cái gì có lợi cho dân cho nước là mần tới thôi.

    Dân VN tưng bừng chào đón Obama đơn giản vì Obama là nhân vật quyền lực #1 thế giới, thêm vào đó, nước Mĩ là biểu tượng của văn minh và thịnh vượng, chống chế dân VN có "truyền thống hiếu khách" làm gì cho mệt. Tập Cận Bình qua VN có được chào đón như vậy đâu.

    Thời này thời nào rồi còn mang mấy cái khẩu khí cũ mòn "VN đánh Mĩ đến người cuối cùng" ra thủ dâm. Có ông lãnh đạo cấp cao nào có con em đi bộ đội chết trận không, hay chết toàn con em đám bần nông thất học ngu si nghe lời kích động của đám ngồi ở trên?

    Ông Hồ chính thức không có con hehe. Ông Lê Duẩn, ông Trường Chinh, ông Tố Hữu, ông Lê Đức Thọ, một đống ông khác có ông nào có con chết trận không?

    Nghe nói có ông Võ Văn Kiệt có người con chết lính, nhưng ông Kiệt có nói những câu ngu xuẩn đó đâu. Hồi mới "giải phóng" có nghe ông Phạm Văn Đồng có đứa con trai độc nhất là liệt sĩ. Nghe vậy ai cũng xúc động dữ, lãnh đạo là phải biết hi sinh, vì dân, vì nước... blah blah. Sau này mới biết, con trai ông Đồng không những không chết trận, mà còn sống khỏe, sống tốt, làm tới GSTS gì đó. Chuyện buồn cười là, sau khi biết con trai ông Đồng còn sống, thiên hạ đồn (hoặc bị tuyên truyền) là, ông Đồng có 2 con trai, đứa đang sống là đứa sống, còn đứa kia vẫn là liệt sĩ, đến nỗi bà vợ ông Đồng vì quá đau khổ mà hóa điên! Sự thực là, ông Đồng lấy trúng bà vợ điên, chứ ông chẳng có đứa con nào chết cả. Chuyện bịp bợm như vậy mà cũng sống được tới mấy chục năm.

    Thôi hết mưa, phải về hehe.

    Trả lờiXóa
  2. Obama không còn, thiên hạ "hiếu khách" với ai đây:

    http://dulich.vnexpress.net/tin-tuc/viet-nam/ha-noi/con-sot-bun-cha-huong-lien-sau-su-kien-tong-thong-obama-3410938.html

    "Quán đã hết hàng để phục vụ nhưng khách vẫn kéo đến rất đông, nhiều người tiếc vì chưa được thưởng thức bún chả".

    Câu trả lời quá đơn giản: vì người ta thích Mĩ. Người ta thích cái văn minh, thịnh vượng. Vậy thôi hehe.

    Trả lờiXóa